Lai rai

Chuyện nhặt

Làng Cười

Văn thơ

Thôn Việt

Thông Tấn Thôn

Lá thư của Sherlock Holmes từ Việt Nam gửi về Anh

Anh Watson yêu quý của tôi! Từ ngày sang Việt Nam, tôi thấy trình độ thám tử của mình còn non kém lắm! Phương pháp suy luận của tôi đối với xứ này nhiều lần bị sai bét. Sáng nay thôi, tôi vừa tiếp một người đàn ông.

Chuyện tình cảm của ông ta không có gì rắc rối, "rẹc rẹc 30 giây" là xong. Nhưng tôi lại sai lầm khi thử thách về bản thân ông ta.

Lúc đó là 9 giờ sáng, tôi đang nhìn qua cửa sổ, xem cảnh một người đi đường chửi toáng lên vì bị một chậu nước rửa bát đổ từ trên tầng 4 xuống đầu, thì có tiếng gõ cửa:

- Xin lỗi! Tôi muốn gặp ông Sherlock Holmes!

- Tôi đây, xin mời ông ngồi, thưa ông Nằm.

- Sao thám tử đoán tôi tên Nằm?

- Quan sát nhanh là thói quen của tôi, trên bìa cuốn sổ tay ông cầm có ghi rõ tên ông là Tạ Văn Nằm.

- Ồ, tôi tên Nam, nhưng mấy em tiếp viên ở nhà hàng đã nghịch ngợm lấy bút viết thêm vào, vì các em thấy tôi thích hát Karaoke ở tư thế... nằm.

- À, ra thế! Hẳn ông rất vội đến đây, vì tôi thấy ông cạo râu được một bên.

- Việc này thám tử cũng... hơi bị nhầm. Số là tôi cao râu bằng bàn cạo điện, sáng nay tôi đang cạo dở thì bị mất điện đột ngột cho nên một bên nhẵn nhụi còn một bên kia rậm rì mà tôi vẫn phải bắt xe buýt đến chỗ ông là vì thế.

http://www.tttvn.com/

- Hừm, nhưng nếu tôi nói ông rất ít đi xe buýt thì chắc không sai? Vì tôi thấy ông không có thói quen giữ vé trong tay.

- Ấy, khi nãy tôi chuẩn bị xuống xe thì phụ xe đã xin cái vé để quay vòng cho khách khác, lấy tiền bỏ túi riêng rồi!

Anh Watson ạ, lúc đó tôi bối rối vô cùng, nhưng vẫn cố vớt vát:

- Thời gian gần đây ông bị sa sút về kinh tế?

- Ồ, ngược lại. Nhưng... vì sao mà ông đoán thế?!

- Vì tôi thấy ông đi một đôi giầy tồi, còn mới mà gót trái đã mòn vẹt trong khi gót phải vẫn còn nguyên vẹn!

- Hà hà... Đó là do thành phố thường xuyên có nạn kẹt xe. Những lúc như vậy tôi thường phải ngồi trên xe máy, rồi đặt chân xuống mặt đường, rà rà theo dòng người nên gót giày trái bị mòn nhanh.

- Chà, - Tôi vã mồ hôi - Thế có phải ông là người rất coi thường sức khỏe? Sở dĩ tôi nói vậy vì dạo này ngày nào trời cũng nắng to mà ông ra đường không đội mũ.

- Ối giời, có đấy chứ! Nhưng lúc đi bộ ra xe buýt bị mấy đứa thanh niên mất dạy đi xe cướp mất rồi!

Chao ôi, bác sĩ Watson của tôi ơi, chắc là anh tưởng tượng ra khuôn mặt của tôi lúc đó như thế nào rồi, nó dài bằng cái bơm ở mấy chỗ "Vá 9 xe đạp xe máy" vẫn đặt ở lòng đường thành phố này vậy. Nhưng bản lĩnh đã giúp tôi lấy tự tin trở lại, tôi hỏi vấn đề ông ta cần tư vấn để khỏi phải phán đoán... sai thêm nữa.

Có lẽ từ hôm nay tôi phải đóng cửa không tiếp khách, để nghiên cứu thêm về con người đất nước kỳ lạ này, rồi mới tiếp tục hành nghề được. Chẳng hạn tôi đang tìm hiểu xem một số sinh viên Việt Nam rất căm thù... thời gian, đến nối họ giết luôn thời gian bằng cà phê, rượu bia, thậm trí một cốc trà đá là có thể ngồi trầm ngâm hàng giờ đồng hồ trong căng-tin để suy nghĩ... không cụ thể về điều gì cả!?

Khi nào có gì mới tôi sẽ meo cho anh. Chúc anh mạnh khỏe!

Bạn của anh: Sherlock Holmes

Jap Tiên Sinh

Cộng đồng thế giới động vật “chém gió”

Giun
Vợ chồng con giun đất gặp bạn chúng là con giun đất cái:
- Này, chồng cậu đâu? - chúng hỏi.
- Anh ấy đi câu rồi - con giun đất cái nói.

*
* *

Cuốn chiếu
Con cuốn chiếu cái nói với chồng:
- Tối nay em đến chỗ sơn sửa móng chân, nên sớm nhất cũng phải 11 giờ đêm em mới về đấy. Anh ở nhà đừng nóng ruột nhé.

*
* *

Thỏ và đầu... gấu
http://www.tttvn.com/Thỏ vào quán. Nó gọi bánh mì và cà phê. Nó đi rửa tay, nhưng khi trở về chỗ của mình thì không thấy cà phê đâu nữa. Nó hỏi:
- Ai đã uống cà phê của tôi?
Tất cả im lặng. Nó hỏi lần nữa:
- Ai đã uống cà phê của tôi?
Bỗng một con gấu to đùng đứng lên nói:
- Tao đấy.
- Vậy tại sao... ông không ăn luôn bánh mì cho ngon?

*
* *

Không yêu kẻ có hình xăm
Ngựa vằn tỏ tình với hươu: - Hươu, em làm người yêu anh nhé!
Hươu: - Em không yêu anh đâu?
Ngựa vằn: - Tại sao không yêu?
Hươu:- Vì mẹ bảo những thằng xăm mình đều là bọn xã hội đen.
- !!!

*
* *

Báo mạng
Có con khỉ rất dâm đãng, nó hiếp biết bao nhiêu con vật trong khu rừng. Một hôm, khỉ bí quá chơi chiến thuật du kích làm nhục luôn cọp đang uống nước suối và biến rất nhanh. Cọp lồng lộn đi kiếm. Tới bìa rừng, gặp 1 con khỉ đang ngồi ôm cái máy tính xách tay (thực ra là con khỉ láu cá kia đang ngụy trang), cọp hỏi:
- Mày có thấy con khỉ dâm đãng đâu không?
- Có phải con khỉ vừa mới làm nhục con cọp không?
Cọp nghe thế bèn cúp đuôi bỏ đi, miệng lẩm bẩm:
- Nhục quá! Mới đây mà đã lên báo rồi. Bọn báo mạng đánh hơi nhanh thật!

Trưởng Thôn

Tâm sự của một người đã chết

Tôi và nàng sinh ra đã là hàng xóm của nhau. Tôi hơn nàng một tuổi. Khi hai đứa còn bé tí, con nhỏ đó đi đâu cũng bắt tôi đi kèm với lí do... sợ ma, cho dù nó đi học giữa ban ngày trời nắng chang chang mà vẫn sợ ma như thường. Bố mẹ hai đứa thì luôn miệng: “Anh lớn thì phải chiều em nhỏ, nó là con gái hay sợ...”.

Chúng tôi lớn lên, khi học cấp ba tôi học hơn cô hàng xóm một lớp. Trường cách nhà chúng tôi chỉ vài cây số, vậy mà buổi nào cô ta đi học thêm hay học về muộn là y như rằng bắt tôi đi cùng, kèm về tận nhà vì cô ta... sợ ma!

Rồi tôi lên thành phố học một trường công nhân kỹ thuật, năm sau nàng vào đại học. Tưởng vậy là yên thân. Ai dè vào ngày lễ ngày tết, nghĩa là những dịp về quê là tôi lại đưa nàng về, vì “đi tàu đêm em sợ ma lắm”. Trời!? Trên tàu đông như hội mà còn sợ ma thì... ma nào nó chịu cho thấu? Nhưng bạn bè hai đứa bảo: “Là con trai phải ga-lăng chứ?”. Vậy là tôi lãnh đủ, suốt ngày phải ga... lăng xăng!

Gần nhau nhiều đâm ra... quen hơi, thế là chúng tôi yêu nhau từ thủa nào không rõ. Khi đã yêu nhau thì ngoài ma ra thì nàng còn sợ đủ thứ trên đời. Dĩ nhiên tôi đã trở thành “xe ôm” chuyên nghiệp cho nàng hết ngày đến đêm, từ hè qua đông, đi đâu cũng có nàng bên cạnh. Nàng như cái bóng của tôi vậy. Ồ không, nếu tắt đèn thì cái bóng của tôi sẽ biến mất, chứ những lúc như vậy “cái bóng” sống lại càng... gần hơn mới khổ!

Thời gian trôi đi, chúng tôi lấy nhau. Bây giờ thì ban ngày tôi đã được tự do đôi chút vì hai vợ chồng làm khác cơ quan. Nhưng đêm về thì... “Anh ơi, con nó muốn tè, anh ra sân lấy bô giúp em, ngoài sân có tiếng cọt kẹt, em sợ... ma lắm”. Rồi: “Anh ra vườn nhổ cho em mấy cây cỏ mực để em giã cho con uống, ngoài vườn yên lặng như... có ma ấy, em sợ lắm...!”.

Thế đấy, nghĩa là trong không gian chỉ có hai trạng thái: “yên lặng và “có tiếng động” thì vợ tôi đều quy cho ma cả!

Rồi con cái chúng tôi lớn lên, chúng lấy vợ lấy chồng, khi chúng tôi lên chức ông bà thì cả hai về hưu. Bây giờ thì bà lão nhà tôi càng sợ ma tợn, bả bảo giờ già yếu rồi nên ma nó đụng nhẹ cái là mình “đi đời nhà ma” ngay! Vậy là tôi phải làm mọi việc thay bà ấy mỗi khi đêm đến!

http://www.tttvn.com/

Sinh - lão - bệnh - tử không ai thoát khỏi quy luật của tạo hoá. Hơn 80 tuổi thì tôi chết. Ba năm sau thì bà nhà cũng đi theo tôi, con cháu chôn chúng tôi cạnh nhau. Sau ba năm sống, à quên, chết yên tĩnh thì bây giờ tôi lại bị bả quấy rầy. Vào buổi tối bà ấy đi đâu cũng bắt tôi đi theo.

- Tôi đi thăm ông Phèng mới mất sáng nay đây, trời tối lắm, ông đi với tôi nhé!

Tôi cười:

- Bây giờ bà đã là... ma như người ta rồi thì bà còn sợ cái gì nữa?

- Nhưng tôi sợ... người lắm!

- Rồi, sống thì sợ ma, chết lại sợ người, mà người có gì phải sợ?

- Ban đêm họ tập hợp từng toán ra đắp mộ giả để đòi tiền đền bù, nghe nói người ta sắp quy hoạch di dời khu nghĩa địa này.

Ra thế! Một hôm bà ấy bảo:

- Ông này, ở cuối xóm có hai đôi vừa cưới nhau, tôi với ông đầu thai vào hai nhà đó nhé?

- Cũng được, nhân lúc người ta chưa di dời hài cốt chúng ta. Trên trần gian thì cưới chạy tang, ở đây ta đầu thai chạy... quy hoạch, vui thật. Nhưng bà tính sao?

- Hồi còn sống, ông cứ than khổ vì đi đâu cũng bị tôi bám theo, vậy lần này ta đổi giới tính cho nhau...

Chà, đúng là khôn như... ma. Bà đừng hòng tranh phần ngon nhé, chỉ vì thoát khỏi cảnh bị bà bám riết mà tôi không được hưởng bao nhiêu thú vui: ăn nhậu, cà phê cà pháo, tự do đi đêm về hôm, tự do tán phét, vừa bia bọt vừa xem bóng đá, ngắm các em cẳng dài... ư? Đừng hòng!

Thế là tối hôm sau tôi trốn vợ lên trần gian đầu thai trước!

Chuyện đã hơn 20 năm rồi, bây giờ thì tôi đang ngồi viết tâm sự này đây. Điện thoại của tôi đang “tò te tí”, xin lỗi tôi phải dừng lại, vì cô bạn đang nhắn tin bảo đưa cô ấy về, tính cô ấy hay sợ ma lắm!

Jap Tiên Sinh

Câu chuyện của hai gã nài ngựa đang yêu

Hai người đàn ông nói chuyện, chủ đề nếu không là thể thao thì sẽ là... rất nhạy cảm. Và dưới đây là câu chuyện của hai anh chàng nài ngựa đang yêu.

- Tớ cực phản đối khi cậu nhận xét rằng: ngựa và phụ nữ đều dành cho những gã đàn ông thô bạo “đè đầu cưỡi cổ”. Đó là một nhận xét vô cùng... thô bạo.

- Nhưng ý kiến của cậu cho rằng: “Một con ngựa hay cũng giống như một phụ nữ đẹp” đâu có chính xác hoàn toàn. Bởi vì tuy cả hai “bất kham”, nhưng ngựa khác ở chỗ khi ta thuần phục được nó rồi thì ta sẽ có ngựa trong tay cho đến khi nó chết. Còn phụ nữ đẹp ư? Muốn có mãi trong tay, ta phải trung thành với cô ta cho đến ngày... ta chết!

- Phần nào cậu có lý. Nhưng cậu có thấy ngựa giống phụ nữ ở chỗ đều thích được âu yếm, thích nghe lời nói ngon ngọt...

- Và ưa roi vọt.

- Suỵt!

- Ấy là tớ nói “roi vọt” theo nghĩa bóng. Ông nhà văn Lê Lựu từng viết đại ý: Đàn bà và ngựa giống nhau ở chỗ luôn hiếu thắng trong các cuộc cãi tay đôi, nhưng lại dễ bị khuất phục trước những quyết định dù tàn bạo. Tất nhiên là ông ấy đã viết... tránh đi (!?) là “đàn bà và trẻ con”.

http://www.tttvn.com/

- Chỉ có một điều chắc chắn là ta hoàn toàn có thể có hàng trăm con ngựa nếu ta muốn, còn phụ nữ thì...

- Chúng ta còn quên một điều tối quan trọng. Đó là phụ nữ thì nói nhiều còn ngựa thì chỉ hí vài lần trong một ngày.

- Chà, nếu lũ ngựa có khoái nói cả ngày thì rốt cuộc bản chất của nó cũng chỉ là thích được nghe mà thôi. Tớ thấy con ngựa giống phụ nữ ở chỗ cả hai đều có “đuôi”.

- Phải, cái đuôi của phụ nữ chính là đàn ông chúng ta đây. Nhưng cậu cũng nhớ cho kỹ, lông đuôi ngựa được làm dây viôlông, cái điểm yếu của ngựa là nó cũng khoái được nghe những bản tình ca dịu dàng mà không hiểu rằng chỉ là những lời phỉnh ngọt từ cái... lông đuôi của mình.

- Còn thực tế hơn thì có thể thấy ngay rằng ngựa cho ta thịt cũng như phụ nữ cho ta thịt... mua ngoài chợ, dù đôi khi đi chợ do phải rẽ vào các “sốp” nên các bà mua nhầm “thịt chợ chiều”.

- Với con ngựa của ta, nếu thích, ta có thể cột dây cương lại để ta rảnh rang đi uống bia hoặc đi ngắm để mua... con ngựa khác. Ước gì với phụ nữ ta cũng có thể làm như vậy.

- Không chỉ không chịu đứng yên một chỗ, mà phụ nữ còn có quyến bắt ta chở bằng xe đạp để đi chơi hàng trăm cây số, có quyền chất lên lưng ta hàng tấn hàng hoá mà họ chọn khi cùng đi siêu thị. Ôi chao, không hiểu lúc đó ai là ngựa đây?

- “Ngựa hay không phản chủ”, nhưng các cô người yêu đẹp vẫn sẵn sàng nói xấu ta với mấy cô bạn thân hết ngày này qua ngày khác.

- Ai bảo hai nhân vật ấy lại khác nhau chỗ đó? Ngựa mà biết nói thì...

- Ấy, ngựa của tớ đã đến giờ ăn rồi, tớ phải đi lấy cỏ cho nó đây. Về điểm này thì cậu không thể phủ nhận được, đó là khi một con ngựa đòi ăn thì nó sẽ kêu lên ầm ĩ, chúng ta chỉ có nước duy nhất là mang cỏ lại phục vụ. Ầy dzà... ngựa của cậu cũng gõ móng đòi ăn rồi đấy...

Jap Tiên Sinh

Tại sao đàn ông đích thực liếc ngực đầu tiên?

Bài tôi đăng trên báo Lao Động năm 1999 dưới tiêu đề "Sự tích một cái nhìn". Khi mạng xã hội trở nên thông dụng ở Việt Nam, truyện cười này được bà con phát triển thành nhiều phiên bản khác nhau và thường ở dạng kể chuyện "tỉ mỉ" hơn. (JTS)

http://www.tttvn.com/

Nếu chị em bắt gặp anh chàng nào đó đang liếc trộm "núi đôi" của mình thì cũng đừng vội nghĩ hắn "dê" mà tội nghiệp.

Cái nhìn đó xuất phát từ nguyên nhân hết sức nghiêm túc. Chuyện là thế này:

Ngày xưa, khi tạo ra loài người, thượng đế đã nặn đôi "ti" của người đàn ông to hơn hẳn của người đàn bà với ý nghĩa phân công: "Đàn bà sinh con thì đàn ông phải... cho con bú"!

Nhưng đối với loài người, việc phân công như vậy lại "không mang tính khả thi" trong cuộc sống. Vì thật bất tiện khi người đàn ông vừa ôm con cho nó bú lại vừa phải săn bắn. Thượng đế, sau một thời gian "ngâm cứu" đã ra quyết định lại: Giao "ti" của đàn ông cho đàn bà, để họ kiêm luôn việc cho con bú!

Tha hồ rảnh rang, các ông khoái lắm. Nhưng trong lòng họ có một cái gì đó... tiêng tiếc. Thì bỗng nhiên mất đi một "tài sản vô cùng xinh đẹp" như vậy ai mà chẳng xót!!!

Cho nên kể từ đó đến nay và... mai sau, dù đi trên đường hay đang dự tiệc, cánh đàn ông thỉnh thoảng vẫn hay liếc trộm... "tài sản cũ" của mình là vì thế.

Jap Tiên Sinh

Phiếm đàm về đại gia và chân dài

Phàm đã là đại gia, thì nhan sắc là thứ không thể nào thiếu được. Và phàm đã là nhan sắc, thì cũng không thể nào bên cạnh kẻ nghèo hèn. Thế nên, có gì là ngạc nhiên đâu khi nhan sắc và đại gia luôn là cặp phạm trù tuyệt nhiên không thể bị đánh đổ.

Xưa, vốn chỉ nghe đại gia hoa lá cành, phòng nhì phòng hai với nhan sắc. Nay, đại gia chơi trò trượng phu, đã yêu là cưới. Chỉ có tiểu gia, mới yêu cho đến có con vẫn chưa khiến người tình gật đầu chịu cưới.

http://www.tttvn.com/
Siêu mẫu Ngọc Thúy – đại gia Nguyễn Đức An: Cuộc hôn nhân tranh giành 288 tỷ đồng

1. Người khôn ngoan hành xử bao giờ cũng đầy toan tính. Thỏ khôn khi nào cũng có chín hang. Đại gia cũng như thỏ khôn. Đại gia yêu ai đều không chỉ đơn thuần là sự hồn nhiên tình ái. Mũi tên của vị thần tình yêu quá khó để có thể bắn trúng trái tim của đại gia. Mà cũng có thể do thói quen thôi, tính toán kinh doanh để sao thu được món lợi lớn nhất mãi thành ra trước bất cứ chuyện gì đều so đo toan tính. Thấy lợi thì làm, thấy hại thì thôi. Biết đâu, đại gia lắm tiền, ai lắm tiền lại không chơi ngông(!).

Quá ít người nằm ngoài giới thương nhân biết tên tuổi đại gia, cho đến khi đại gia cặp kè với nhan sắc. Hẳn nhiên là đám cưới của đại gia diễn ra tại một nhà hàng sang trọng. Có điều bất ngờ là đại gia cùng vợ mới cưới của đại gia mở cửa hân hoan chào đón báo chí.

Món ăn trong tiệc cưới ấy được cập nhật. Nghi án nhan sắc có thai trước khi cưới đại gia cũng được cập nhật. Cảnh đại gia hôn vợ mới cưới cũng được cập nhật. Con trai riêng của nhan sắc và ca sĩ nổi tiếng xúng xính đi dự buổi tái hôn của mẹ cũng được cập nhật… Đại loại, cái gì liên quan đến đại gia và nhan sắc đều được cập nhật.

Đám cưới là điều đáng vui mừng, rất đáng vui mừng. Đám cưới lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư… cho đến lần thứ n cũng đều đáng vui mừng như nhau.

Thế nhưng, đại gia tỏ ra cực kỳ hưng phấn trước hạnh phúc mới, khi "nẫng" vợ của bạn là hành động rất khó chấp nhận.

Yêu đương mà, lắm lúc lý trí không có giá trị trước ái tình. Tuy nhiên, nói gì thì nói chứ chơi với bạn rồi hẹn hò với vợ bạn sau đó là cưới vợ bạn, cũng không hay ho gì lắm.

Thôi thì yêu đương khó nói, ai yêu nấy biết. Chẳng may sam dính nhau rồi, cho nhau một danh phận là điều nên làm. Nhưng, cho theo cái cách rình rang như cú đấm thẳng vào mặt chồng cũ của nhan sắc cũng là bạn cũ của mình, thì người đàng hoàng không ai làm thế.

Chồng cũ của nhan sắc bảo như thế này, "Thực ra, để có ngày hôm nay, tôi đã trải qua hai năm chông chênh, im lặng. Hai năm đó tôi chỉ lặng lẽ đi hát kiếm tiền và để vết thương lành dần. Hai năm qua, chuyện tình cảm buồn làm tôi không còn tâm trí để nghĩ đến làm gì nữa".

Là vậy đó, đại gia đương nhiên không thèm quan tâm đến thiên hạ đang nghĩ gì về mình. Tôi mà lắm tiền như đại gia, có khi tôi cũng thế.

Có điều, chắc chắn cho dù có là đại gia hay không là đại gia, thì tôi luôn biết kiềm chế trước nhan sắc của vợ bạn. Và giả như không may (giả định thì nói thế quái nào mà chẳng được - PV) tôi gục ngã trước dung nhan ấy, tôi cũng không chọn cách rình rang xúng xính hôn nhân.

Đơn giản, tôi không thể nào cảm thấy thoải mái khi làm cái hành động vốn không được chấp nhận trong một xã hội mà nhiều quan điểm còn đậm chất Á Đông như nước mình. Hay là, ai đi Tây về cũng đều hành xử vậy? Không biết chắc lắm, nhưng với nhiều người định cư ở nước ngoài cho biết, họ cũng không chấp nhận chuyện quyến rũ hay thập thò với vợ bạn.

Và tôi nghĩ, người tử tế nào cũng sẽ hành động như vậy. Suy luận nhanh, không hẳn đại gia nào cũng là người tử tế. Và chắc chắn, không phải người tử tế nào cũng trở thành đại gia.

http://www.tttvn.com/
Ảnh minh họa

2. Khi tôi viết "Tăng Thanh Hà và "thương hiệu" hôn nhân", dư luận đón nhận bằng hai luồng ý kiến riêng biệt. Người tán đồng, người phản bác. Đưa ra một nhận định hay bình luận, thì việc tạo nên sự đồng thuận hay phản ứng trái chiều là điều hiển nhiên. Tôi chỉ nghĩ thế này, nếu là đại gia thứ thiệt, lấy vợ cho con trai mình, chắc chắn sẽ không mang con dâu của mình ra làm cái trò đong đưa với truyền thông. Lại càng không chơi trò, lấy người yêu của con trai kế mình làm cái bẫy của sự quảng bá thương hiệu.

Đại gia thật sự, lấy vợ cho con trai chỉ cần vợ chồng họ yêu thương nhau. Trên trời dưới đất, không có đại gia nào suốt ngày lấy con dâu mình như một thương hiệu để hết khai trương tiệm bánh này đến cửa hàng nọ. Chỉ có đại gia tự phong mới chơi trò trục lợi tên tuổi từ con dâu. Và cũng chỉ có đại gia tự phong mới để cả đại gia đình ăn theo tên tuổi của con dâu.

Đại gia cũng có năm bảy đường. Có đại gia cưới hoa hậu cho con trai mình, xong không cho hoa hậu tiếp tục tham gia làng giải trí. Lại càng không hiện hình chụp ảnh cùng con dâu trước mặt phóng viên để "ké hơi". Đại gia như vậy, đích thực là đại gia.

Đại gia đích thực, sẽ biết cách tôn trọng nghề nghiệp của con dâu. Đại gia đích thực, cũng biết cách nên xuất hiện lúc nào để không bị xem là đang hưởng xái danh vọng từ con dâu. Đại gia đích thực, lại càng không để vợ con mình suốt ngày cặp kè với con dâu để xin tí ảnh lên báo mạng. Đại gia mà chơi kiểu này hoài, dễ khiến người ta hiểu nhầm là "đại gia ảo".

Một đại gia khác vừa bị vợ bỏ. Đại gia này rất đặc biệt. Đại gia là anh của một người đẹp. Người đẹp rất có quyền lực trong làng nhan sắc. Nhất là những nhan sắc đã có chồng nhưng lại khao khát danh hiệu gì gì đó để hân hoan với đời, để có chuyện kể với con cháu. Hay đơn giản chỉ là, có thêm uy tín với đối tác kinh doanh.

Đại gia xâm xấp tuổi 60, con cái thì đã có. Còn vợ của đại gia là nhan sắc đoạt danh hiệu trong một cuộc thi nào đó ở Mỹ. Nước Mỹ có nhiều người Việt sinh sống, người Việt lại thích tổ chức thi so đọ nhan sắc. Ai nhiều tiền đều có vương miện từ các cuộc thi này cả.

Hôm đại gia làm lễ cưới với nhan sắc, phóng viên đưa tin ầm ầm. Đại gia cười tít mắt, nhan sắc cười không thấy mặt trời. Nhan sắc bảo đại khái: "Ai nói là hồng nhan họa thủy, chứ em thấy không phải vậy đâu, như em chẳng hạn. Em lấy được ảnh là phúc phần của em tốt lắm. Ảnh thấy già già vậy chứ ảnh còn ngon lắm. Ảnh là người thông minh, hóm hỉnh, có trách nhiệm với gia đình. Ảnh còn là người tự lập. Bên cạnh ảnh, em yên tâm như nương tựa vào cây bách, cây tùng, cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Ôi, đời em từ đây sướng rồi".

Cưới xong, đại gia với nhan sắc đi hưởng tuần trăng mật ở Úc châu thì phải. Hưởng tuần trăng mật về, nhan sắc đưa tay xin phát biểu với truyền thông. Truyền thông gật đầu đồng ý. Nhan sắc nói tỉnh queo: "Tụi em chia tay rồi à nha".

Hỏi sao chia tay, nhan sắc thật thà: "Thằng cha đó coi vậy mà không phải vậy. Người gì đâu mà gia trưởng, khô khan, vô duyên. Thằng chả kể câu chuyện hài, em thấy tục tĩu lắm, em cười hổng có nổi. Mà thằng chả ngồi cười tẹt ga y như là mới trúng số độc đắc mấy chục triệu USD không phải tính thuế à. Em là em không thể nào chung sống với cái loại vô duyên huyên thuyên như người điên được. Vậy thôi, em chia tay".

Báo chí lắm chuyện, đặt nghi vấn nhan sắc chia tay với đại gia là bởi đại gia yếu kém trong khoản đó. Nhan sắc vội vã xin thanh minh lần nữa: "Mấy anh mấy chị đừng nói vậy, tội nghiệp em rồi tội nghiệp luôn ảnh. Hổng phải em chia tay ảnh vì cái chuyện kia đâu, ảnh còn ngon lành cành đào lắm. Em nói rồi, em chia tay với ảnh là vì ảnh gia trưởng với vô duyên thôi. Giờ chia tay ảnh, em về Mỹ chơi ít lâu rồi em sẽ tham gia vô làng giải trí".

Làm đại gia cũng buồn nhỉ. Mới cưới vợ hôm trước, hôm sau bị vợ bỏ. Nhưng biết làm sao, hôn nhân thường trúc trắc và khó dự đoán. Với lại, không phải đại gia nào cũng đều thông minh. Hơn nữa, không hẳn nhan sắc nào cũng dễ dụ, chẳng may lấy nhan sắc về, nhan sắc phát hiện đại gia không phải là đại gia thì sao, đại gia chỉ là đại gia mượn danh thì sao. Đời mà, cái gì không giả được. Nhân phẩm còn cần phải được phục hồi thì chuyện giả giả thật thật có khó gì đâu.

http://www.tttvn.com/
Phàm là đàn ông đều mê chân dài

3. Có ông đại gia là tiến sĩ văn nghệ văn hóa hay văn chương gì đó, quyền lực kinh hồn trong làng giải trí. Đại gia này từng bị nhạc sĩ Ngọc Đại mắng là: "Phường con buôn chứ văn hóa gì". Đại gia chưa trả lời lại, thì có anh chàng ca sĩ cực nổi tiếng nhào lên tuyến đầu, bảo vệ đại gia trối chết. Tôi nghĩ rằng, đám đàn em của mấy tay anh chị có bảo vệ đại ca của mình cũng không nhiệt tình bằng cách nam ca sĩ này bảo vệ đại gia.

Đại gia này xài vợ hao khủng khiếp. Xoay qua xoay lại ít năm, đại gia đùng phát quất liền mấy cái đám cưới. Đám cưới nào cũng rình rang, cô dâu nào cũng xinh đẹp và tươi trẻ. Hình cưới chụp ở châu Âu, trăng mật diễn ra ở châu Mỹ… cực kỳ tráng lệ và đáng mơ ước. Đại gia tạo dáng cạnh cô dâu đẹp, cười xinh như trăng ngày rằm, nụ cười khiến tuyết chảy băng tan. Tôi mà làm được như đại gia, có khi tôi cười còn đẹp hơn gấp hàng tỷ lần ấy chứ không đùa đâu.

Dẫu sao thì làm đại gia cũng có cái hay của nó. Còn điều tiếng mang lại, thì ai mà không có điều tiếng. Hơn nữa, đại gia dành hết thời gian để kiếm tiền rồi, rỗi hơi đâu mà quan tâm đến dư luận nói hoặc nghĩ thế nào về mình.

Khẳng định thêm lần nữa, tôi là tôi cực kỳ hâm mộ những đại gia mà mình đã đề cập đến trong bài viết này. Có mấy người đầy văn hóa như các đại gia mà hành xử được như vậy đâu(!). Dễ gì làm được điều đó. Khó lắm, khó vô cùng tận.

Ngô Nguyệt Hữu

Hợp pháp hóa cá cược bóng đá, tại sao không?

Chuyện cá cược bóng đá sau một thời gian im ắng nay lại vừa được các công ty xổ số kiến thiết cả nước kiến nghị chính phủ và Bộ Tài chính cho phép đưa vào kinh doanh, mà theo các nơi này là nhằm đáp ứng một nhu cầu có thật của người dân, loại trừ các hình thức cờ bạc bất hợp pháp như nạn đánh đề, tạo kẽ hở cho tội phạm, lừa đảo.

Kiến nghị này được đưa ra phải chăng nhằm tận thu nguồn lợi từ hoạt động xổ số mà tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo từ Hội nghị Đánh giá hoạt động xổ số kiến thiết do Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/3 vừa qua, năm 2009 doanh thu từ hoạt động này đạt 34.552 tỷ đồng, tương đương 1,82 tỷ USD, chiếm 2,1% GDP cả nước, cao hơn các nước Mỹ (0,43%), Nhật (0,2%), Trung Quốc (0,23%). Nhưng nếu xét về "tiêu chuẩn" đầu người thì chúng ta lại thua xa các nước trên. Bình quân mỗi người dân Việt Nam chi tiêu khoảng 400.000đ/năm (khoảng 20 USD) cho hoạt động xổ số, trong khi Trung Quốc là 26 USD, Nhật 73,77 USD, còn Mỹ lên đến 194,79 USD.

http://www.tttvn.com/
Cá độ một chút tiền khi xem sẽ hưng phấn hơn nhiều!

Có người cho rằng, trong tình hình xã hội đang có nhiều tệ nạn, việc hợp pháp hoá cá cược bóng đá sẽ nảy sinh nhiều mảng tối hơn. Do vậy không nên thừa nhận hoạt động này vì đây chẳng khác gì trò chơi đánh bạc. Nhưng liệu suy nghĩ như vậy có quá khắt khe không khi trên thực tế, trong nước đang có một vài hình thức cá cược được chấp nhận như cá cược đua ngựa ở TP HCM, đua chó ở Vũng Tàu, hay hình thức thấp hơn là dự đoán kết quả bóng đá trên truyền hình và báo chí.

Cách đây mấy năm, Công ty Tiếp thị Thể thao của một Việt kiều cũng đã gửi đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam một đề án có tên "Kinh doanh dự thưởng bóng đá" mà thực chất là cá cược bóng đá. Nhưng đề án ấy đã không được xem xét.

Trước đó khi dự thảo nghị định về kinh doanh, xổ số, đặt cược, trò chơi có thưởng, các chuyên gia của Bộ Tài chính cũng đã cho rằng hợp pháp hóa cá cược, trong đó có cá cược bóng đá, chính là nhằm xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện, đưa các dịch vụ về cá cược vào guồng hoạt động công khai, minh bạch, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước.

Trong quá trình hội nhập gần như toàn diện hiện nay, những loại hình như vậy tất nhiên sẽ tràn  ngập tại Việt Nam. Dùng các biện pháp hành chính để cấm thì không ổn, do đó chúng ta phải nghĩ đến các giải pháp giảm bớt các tác động mặt trái của hoạt động này trong đời sống xã hội.

Đã có lúc Uỷ ban Thể dục thể thao soạn thảo một đề án cá cược bóng đá để trình chính phủ cách đây mấy năm, mà nếu được chấp thuận thì cá cược bóng đá sẽ chính thức được thừa nhận ở nước ta. Nhưng rồi những vụ lình xình chung quanh tệ nạn cá độ bóng đá và đặc biệt là vụ tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng đánh cá cược bóng đá lên đến hàng triệu đô la, chuyện cho phép cá cược bóng đá lại đi vào quên lãng.

Cá cược (betting), nhất là cá cược bóng đá (soccer-betting) hoàn toàn không hề xa lạ ở các nước phương Tây, nơi có nhiều công ty cá cược hoạt động với doanh số lên đến hàng tỷ USD mỗi năm, nộp cho ngân sách nhà nước những khoản tiền thuế khổng lồ và là nguồn tài trợ đáng kể cho phát triển thể thao. Thậm chí ở một số quốc gia, các công ty cá cược do chính phủ tổ chức để dễ quản lý hoạt động này.

http://www.tttvn.com/

Cá cược không được thực hiện giữa người này với người khác mà là giữa công ty cá cược và những người muốn tham gia vào cuộc chơi nên không mang tính sát phạt như cờ bạc. Dựa trên nhiều yếu tố và vận dụng phương pháp xác suất của khoa học thống kê (Actuary Science) mà các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của công ty cá cược sẽ đưa ra nhiều tỷ lệ "được-thua" - tức tỷ lệ cá cược - khác nhau để người chơi cân nhắc và quyết định đặt cược vào một tình huống cụ thể. Xác suất "được cuộc" càng thấp thì số tiền trúng càng cao.

Cá cược có nhiều lĩnh vực và có thiên hình vạn trạng, riêng trong bóng đá có các hình thức phổ biến sau:

- Cá cược kết quả trước khi diễn ra các trận đấu. Tỷ lệ cá cược do công ty cá cược đưa ra căn cứ vào tương quan mọi mặt giữa hai đội bóng để cho người chơi tính toán đặt cược đội nào (thắng-thua-hoà).

- Cá cược tỷ số trận đấu, đòi hỏi người chơi phải am hiểu và sành sõi trong việc đánh giá các đội bóng.

Với hai loại cá cược này hễ khả năng hiện thực càng thấp thì tỷ lệ cá cược càng cao.

- Cá cược bắt nhóm, chẳng hạn như đặt cược với cả nhóm 10 trận đấu, không đặt cược từng trận mà đặt cược kết quả thắng thua của nhiều trận.

- Cá cược theo sự kiện: như nước nào sẽ giành được quyền tổ chức World Cup kỳ tới, hay đội nào sẽ vô địch Giải ngoại hạng Anh mùa này, huấn luyện viên nào đó có ra đi sau mùa giải hay không, có khi cá cược cả số lượng thẻ vàng hay thẻ đỏ trong một trận đấu. Ví dụ: từ đầu mùa giải, công ty cá cược đưa ra tỷ lệ "1 - 1,2 cho chức vô địch Giải bóng đá Anh thuộc về đội Chelsea". Nghĩa là nếu chọn phương án này và đặt 10 USD, thì khi Chelsea vô địch người chơi sẽ được 12 USD.

Để hạn chế tính chất cờ bạc, người ta thường giới hạn số tiền đánh cược. Đó là chưa kể luật pháp còn có biện pháp chế tài, đội nào bán độ thì bị cấm thi đấu, huấn luyện viên bị sa thải, cầu thủ bán độ bị treo giò, chủ tịch câu lạc bộ bị ra toà....

Hiện nay, hai tổ chức đánh cá cược bóng đá được biết đến nhiều nhất là William Hill ở châu Âu và Hongkong Jorkey Club ở châu Á. Cả hai đều phát triển hoạt động với hàng chục ngàn đại lý ở các nước và tổ chức cá cược qua mạng internet. Dân ghiền bóng đá nước ta không xa lạ gì với các đại lý của hai hãng cá cược có uy tín này.

Cá cược thể thao là một lĩnh vực nhạy cảm về mặt quản lý, nhưng nếu được thừa nhận sẽ có mấy điểm lợi là tạo nguồn thu lớn cho ngân sách (theo dự kiến của Bộ Tài chính số thu có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng/năm), hạn chế tiêu cực (cầu thủ, đội bóng bán độ) và có thể kiểm soát được nhờ tính công khai của hoạt động này. Thế nhưng cá cược cũng đòi hỏi một hệ thống đủ rộng để nhiều người có thể tham gia, năng lực quản lý hiệu quả và tổ chức chi trả nhanh chóng, giản đơn.

Suy cho cùng, cho phép cá cược bóng đá cũng là chuyện nên làm.

Trần Trọng Thức

Lợi ích của 'Tết ta' từ... ba góc nhìn

Những tranh cãi gần đây liên quan đến vấn đề "Tết "tây" -Tết "ta" vẫn chưa có hồi kết với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tết "ta" càng đến gần thì những cuộc tranh cãi này càng trở nên sôi động hẳn lên. Tuy nhiên, để đánh giá một cách công bằng nhất những mặt được và chưa được của Tết "ta" phải dựa trên sự phân tích ở nhiều góc độ khác nhau.

Từ đó mới tạo ra được một cái nhìn tổng quan và một suy nghĩ thấu đáo để quyết định nên hay không nên bỏ Tết 'ta" theo Âm lịch và thay bằng Tết "tây" theo Dương lịch.

Tạo ra hiệu ứng... chính trị

Xét trên góc độ chính trị, Tết "ta" là một dịp để bạn bè thế giới cũng như dư luận trong nước nhìn nhận về sự phát triển của nền chính trị Việt Nam. Đây chính là dịp mà Nhà nước cũng như các nhà lãnh đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo đón Tết.

Không hẳn là các chương trình mang tính chất hỗ trợ này chỉ có nhiều, khi có Tết, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy rằng các chương trình dịp này mang tính nhân văn và tạo ra hiệu quả thu hút hơn hẳn những dịp khác trong năm.

Tạm bỏ qua những câu chuyện tham nhũng liên quan thì chính những điều này tạo ra một hiệu ứng chính trị hết sức hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh một nền chính trị ổn định của Việt Nam. Còn những người được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình đó, dĩ nhiên cũng sẽ có một cái Tết ấm cùng và tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tết "ta" cũng là dịp mà Nhà nước tạo nhiều điều kiện tốt để kiều bào cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới về lại quê hương đón Tết cổ truyền theo đúng truyền thống. Từ đây có thêm nhiều cơ hội cho kiều bào, du khách quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác ở các cấp độ khác nhau.

  
Tết "ta" là một dịp để bạn bè thế giới nhìn nhận về sự phát triển của nền chính trị Việt Nam. Ảnh minh họa

Cơ hội bán hàng có lãi nhất

Xét trên góc độ kinh tế, Tết "ta" nghỉ khá dài. Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ "nghỉ". Tết "ta" chính là dịp để nền kinh tế Việt Nam kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực chuyên về đồ ăn, thức uống, dịch vụ.

Tết "ta" là cơ hội để các doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm mới với những đợt quảng cáo, khuyến mãi ồ ạt và rầm rộ. Và một thực tế cũng không thể phủ nhận với đa số doanh nghiệp thì đây chính là dịp bán hàng có "lãi" nhất về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong một năm tài khóa.

Xét về nghĩa đen thì "lãi" ở đây chính là doanh thu, là lợi nhuận có được từ việc bán hàng. Còn xét về nghĩa bóng, "lãi" còn là hiệu quả của việc quảng bá thương hiệu, cũng như những ấn tượng tốt đẹp đọng lại trong lòng người tiêu dùng.

Dạo gần đây thì các cư dân mạng đã truyền tay nhau một đoạn clip quảng cáo cảm động của nhãn hiệu một loại dầu ăn. Điều này khiến cho thương hiệu này ngày càng trở nên đẹp hơn trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Chẳng phải đây là một lợi ích to lớn mà Tết "ta" đã mang lại cho các doanh nghiệp hay sao?

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng tranh thủ cơ hội này để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Mặc dù khó có thể đánh giá và so sánh các yếu tố "từ thiện" này là thật sự hay chỉ lợi dụng từ thiện để làm kinh tế ở đây. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là tính nhân văn đã được quảng bá và nhân rộng qua những chương trình như thế.

Tết "ta" cũng là dịp để các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm của mình, đến lực lượng nhân viên thông qua việc thưởng Tết. Việc thưởng nhiều hay ít phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó trong suốt một năm qua.

Người già nhìn lại, người trẻ nhìn tới

Xét trên góc độ văn hóa thì Tết "ta" rõ ràng là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Đây chính là dịp để "người già nhìn lại, người trẻ nhìn tới". Khoan xét về các vấn đề tốn kém, thì Tết "ta" chính là một dịp ý nghĩa, để các bậc ông bà, cha mẹ vui vẻ cùng con cháu, các bậc con cháu thể hiện lòng biết ơn của mình.

Đây cũng chính là dịp của đoàn tụ và sum họp gia đình. Bất cứ một người Việt Nam nào khi đi xa mà chẳng mong háo hức một ngày trở về trong dịp Tết.

Thử hỏi các công nhân hay các sinh viên xa nhà (cả trong và ngoài nước) xem có ai không mong đến dịp Tết để được đoàn tụ với gia đình? Rõ ràng là Tết "ta" không chỉ là một dịp lễ mà còn là một nét văn hóa đặc trưng đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam.

Tết "ta" còn là một là một tập quán văn hóa rất bản sắc để người Việt Nam mang ra "khoe" với thế giới như là một cách để giới thiệu về đất nước Việt Nam.

Việc thay Tết "ta" bằng Tết "tây" là một vấn đề lớn và còn phải bàn lại rất nhiều. Bởi bên cạnh những yếu tố tiêu cực như một số người đã phân tích thì chúng ta cũng không thể phủ nhận các lợi ích to lớn cả về vật chất và tinh thần mà Tết "ta" tạo ra. Những lợi ích của Tết "tây" là điều cũng dễ dàng nhận thấy nhưng ai dám khẳng định là Tết "tây" sẽ không có tiêu cực?

Một quốc gia phát triển bền vững không phải là một đất nước chỉ mạnh về kinh tế. Hoặc nói rộng là mạnh về các yếu tố mang tính vật chất, mà còn phải là một quốc gia dung hòa được các yếu tố văn hóa mang tính truyền thống với những lợi ích chung của xã hội.

Và Tết "ta" chính là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc cần phải được dung hòa một cách hợp lý với các lợi ích đó chứ không phải là bỏ đi để thay thế bằng một cái Tết theo phong cách phương Tây.

Huỳnh Nghĩa

Showbiz Việt: Sau “mặt nạ” là... mặt mo

Chiếc mặt nạ cuối cùng cũng đã rơi xuống. Có điều là đã rơi hơi sớm, ngay sau tập phát sóng đầu tiên. Hay trái lại, là không thể đúng lúc hơn, cho một game show mới “dạm ngõ” mùa đầu và cần gây chú ý bằng mọi cách. Nhất là khi nó trót mang tên “Nhân tố bí ẩn” - điều nghe chừng khó kiếm, giữa một showbiz đang bị mài mòn, “xâu xé” bởi game show.

Một câu chuyện vừa quen vừa lạ. Quen, vì tới lúc này, khán giả nhà mình đã quá quen với những “trò hề” kiểu này của cái gọi là truyền hình thực tế ở VN. Khi những câu chuyện “thương vay khóc mướn”, hòng lấy nước mắt của khán giả - món chính của truyền hình thực tế, tới giờ này, sau quá nhiều lần “rơi mặt nạ”, đã trở thành thực đơn… chọc cười.

Nhưng lạ, là bởi: Thường người ta đến với game show là để từ một người vô danh trở thành một người nổi tiếng, nhưng với “cô gái đeo mặt nạ” ở X-Factor, thì lại là ngược lại: Tự biến mình từ một người ít nhiều được biết (ca sĩ Anh Thúy của nhóm nhạc “Mây Trắng”) thành một người vô danh, để đỡ bị áp lực (như người giấu mặt sau đó trần tình?). Công bằng mà nói, màn “dạm ngõ” vừa qua của X-Factor đã gây được ấn tượng khá mạnh với công chúng khi đã kể được nhiều chuyện “bí ẩn” sau những chiếc mic.

http://www.jtsnews.com/

Tiếc thay, sau khi mặt nạ kia bị rơi (tai nạn hay hữu ý?), thì ngay lập tức đã bị phản tác dụng: Khán giả có quyền được nghi ngờ nốt các câu chuyện còn lại. Có câu “Khi lòng tin mất, sẽ mất tất cả”, điều đó liệu có đúng với truyền hình thực tế?

Người giấu mặt tại X-Factor đeo mặt nạ để che vết sẹo trên mặt mình (cứ cho là thế!), nhưng nó bị rơi ra, thì lại vết sẹo ấy lại xuất hiện trong lòng khán giả: Vết sẹo của sự mất tin. Họ bị lừa dối quá nhiều lần rồi, khi những chiếc mặt nạ dần dần bong tróc, khi là vì tai nạn, khi là do cố tình.

Còn bao nhiêu “mặt nạ” nữa đã rơi và chưa rơi? Toàn bộ showbiz là một vũ hội hóa trang, với những cảm xúc vay mượn. Khi mỗi người của công chúng, ít hay nhiều đều phải sắm một “mặt nạ” cho mình. Một nghệ sĩ đã luống tuổi khi vỡ nợ cũng rơi luôn chiếc “mặt nạ”, một cô hoa hậu đeo mặt nạ nói dối là chưa chồng để thi sắc đẹp, một bộ đôi nam ca sĩ rơi mặt nạ khi có màn đấu đá sau hậu trường “Chinh phục đỉnh cao”… mặt nạ ở khắp nơi.

Chỉ tiếc rằng trong làng giải trí, khi những chiếc mặt ra bị lột trần, hoặc vô tình rơi xuống, người ta vẫn chưa thấy mặt thật của nhân vật. Sau “mặt nạ” vẫn là…mặt mo!

Thiên An

Có nên phá dỡ cầu Long Biên?

Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi thì cầu Long Biên là một bản đàn trong yên lặng nhưng luôn réo rắt trong tâm hồn.

Nó là ký ức tập thể của cộng đồng người Hà Nội. Không có gì khắc sâu trong tâm trí người Hà Nội suốt 100 năm qua bằng hình ảnh cây cầu dài nhấp nhô như con rồng thép khổng lồ bay qua sông Hồng suốt bốn mùa xuân hạ thu đông.

Hỏi một người Hà Nội đi xa xem anh ta nhớ nhất cái gì ở Hà Nội, câu trả lời là hình 'ảnh cây cầu Long Biên'. Hỏi một nhà nghiên cứu lịch sử xem vật chứng của các biến cố của Hà Nội suốt trăm năm qua là gì, câu trả lời sẽ là 'cây cầu Long Biên'.

http://www.jtsnews.com/

Hỏi một anh cán bộ Miền Nam, nói đúng hơn là cậu học sinh Miền Nam theo cha mẹ đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, bây giờ đã là một ông già ngoài 70 tuổi sống ở Sài Gòn: "Ông nhớ nhất cái gì ở Hà Nội?", câu trả lời sẽ là: "Cầu Long Biên".

Ông già này kể: tháng ngày đi học cuốc bộ từ Gia Lâm qua cầu Long Biên sang Hà Nội rồi lại về, ông đã đếm được mấy vạn cái đinh bù –loong trên cây cầu sắt này. Đếm để quên quãng cầu dài, quên bụng đói… Và con số mấy vạn cái đinh bù-loong ấy đã theo ông suốt cả đời

Chỉ sau hai tháng nhận chức (tháng 02/1897) toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đặt bút phê chuẩn dự án cầu Doumer tức cầu Long Biên ngày nay.

Ngày 13-09-1898 hãng thiết kế thi công Daydé – Pillé khởi công xây cầu. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 3500m, trừ hai trụ cầu bờ Bắc và Nam, cầu có 17 trụ cầu chôn sâu dưới lòng sông 30 mét, móng nổi từ mặt nước đến mặt cầu là 44m, đảm bảo tàu bè qua lại khi nước sông lên đến 13,5m.

Chín khung dầm sắt khổng lồ nối 19 nhịp lớn với nhau, mỗi khung dài 61m. Cầu rộng 30,6m có một đường tàu hỏa ở giữa và hai đường bộ hai bên. Đến năm 1921 cầu được mở rộng thêm 2,6m cho các loại ô tô và 0,8m cho người đi bộ hai bên.

Sau 4 năm thi công, 8 giờ 35 phút ngày 28/2/1902, cầu được khánh thành.

Sáng hôm đó, chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Hàng Cỏ có 8 toa, có hai toa dành riêng cho vua Thành Thái và toàn quyền Doumer , 6 toa còn lại trở các quan khách trong đó có cả vua Malaixia, đại diện triều đình Mãn Thanh… từ từ vượt sông Hồng.

Thời điểm đó, Long Biên được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới.

'Vật chứng lịch sử'

Từ thời khắc đó cầu Long Biên trở thành ‘’vật chứng’’ lịch sử của Hà Nội.

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở chân cầu Long Biên tự vệ bãi Phúc Xá đã cho nổ bom chặn đường tiếp tế của địch từ phía Gia Lâm.

Dưới chân cầu, trong đêm tối những đoàn quân cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

http://www.jtsnews.com/

Người Hà Nội không bao giờ quên câu chuyện đau thương về một người mẹ trẻ, để bảo vệ Trung đoàn Thủ đô vượt song trong đêm đã phải bịt mồm đứa con của mình. Em bé đã hy sinh để đoàn quân trong đêm vượt sông an toàn ngay dưới chân cầu trước mũi súng của giặc…

Ngày 9/10/1954 cầu Long Biên chứng kiến những người lính Pháp bại trận cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Nó còn chứng kiến những phi công tù binh Mỹ qua cầu năm 1973 để sang sân bay Gia Lâm trao trả về Mỹ.

Cả một thời gian dài cầu Long Biên là mục tiêu quan trọng trong chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội với 14 lần cầu bị ném bom.

Ngày 11/08/1967 cầu bị phá hỏng nặng ở 5 nhịp, riêng nhịp 15 rơi hẳn xuống sông. Sau hai tháng sửa chữa cầu được khôi phục. Ngày 25/10/1967 cầu lại bị "chém’’ ngang thân tại nhịp số 10, một nửa nhịp rơi xuống sông, nửa còn lại ghếch lên trời. Phải đánh mìn định hướng mới cắt bỏ được phần hỏng.

Sau hai lần chỉ trong bốn ngày vào tháng 12/1967 máy bay Mỹ lại đã dội bom trúng cầu và lần này cầu bị thiệt hại nặng nề, 6 trụ bị tiện đút, bẩy nhịp bị phá hủy. Nửa năm sau cầu mới được phục hồi.

Chưa có cây cầu nào trên trái đất này mang nhiều thương tích trên mình nó như thế. Và cũng chưa có cây cầu nào chuyên trở trên mình nó nhiều trọng trách, mang vác trên mình nó nhiều hàng hóa, vật tư hữu dụng cho con người như thế.

Nó đã mang vác lịch sử đau thương và anh dũng của người Hà Nội trên lưng mình cả 100 năm từ lúc nó chào đời.

Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội, những người lính trực chiến trên nóc cầu Long Biên đã biên thư, gọi điện đề nghị với Đài tiếng nói Việt Nam phải sửa lại nội dung, sửa lại trật tự các cụm từ trong thông báo: "Báo động có máy bay xâm phạm bầu trời Hà Nội’’.

Số là, khi nhận được lệnh báo động, đài phát: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp máy bay địch xuất hiện ở phía (Tây Nam hoặc Đông Nam) thành phố’’, các chiến sỹ cao xạ pháo trực chiến trên các ụ súng bố trí trên các nóc cầu Long Biên đã rất sốt ruột khi phải nghe các âm thanh "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp…".

Mà họ nóng lòng chỉ muốn nghe từ hướng nào tốp máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội… để kịp quay mũi súng về hướng đó, đón chờ chúng đến.

Một giây với người lính canh gác trên nóc cầu lúc đó là sinh mệnh của chính mình và sinh mệnh của cây cầu. Vì thế các chiến sỹ trực chiến đã đề nghị đài sẽ phát "Từ hướng (Tây Nam hay Đông Nam ) có một tốp máy bay… đang xâm phạm bầu trời Hà Nội… Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…’’

'Sống những giờ sinh tử'

Cầu Long Biên đã sống những giây phút sinh tử với Hà Nội như thế. Người viết bài này có lần đã sang bãi. Giữa tức bãi Phúc xá ngay sau khi khói bom đánh cầu Long Biên vừa tan để thămmột người trong dòng tộc và chứng kiến tận mắt một thanh đường ray xe lửa dài đến hai mét đã bay hơn một cây số vì sức ép của đạn rốc – két lao cắm xuống sân một gia đình nông dân trên bãi Phúc xá.

Những hình ảnh như thế không bao giờ phai lạt trong lòng một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi. Một cô gái quê Hà Nội nay là một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi đang sống ở Sài Gòn đã nói với tôi:

"Cây cầu là kỉ niệm tuổi thơ của chúng em. Thời gian 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội cầu bị đánh phá tơi bời sập nhiều loại, chúng em từ nơi sơ tán đi về phải qua cầu phao trong mưa phùn giá rét cả nữa ngày mới qua được song Hồng,

"Lúc đó mới thấy khát khao được đi trên cầu Long Biên sau mỗi lần bom dãi thảm Hà Nội cả nhà em ở nơi sơ tán lại ngóng về trời Thủ Đô, mẹ em kêu lên thảng thốt: Khói bốc lên phía cầu Long Biên rồi cả nhà ơi!. Bao nhiêu bom đạn Mỹ mà không phá được,

"Vậy mà bây giờ người ta không cần vũ khí vẫn phải phá cây cầu như chơi. Dễ dàng vậy sao? Vũ khí gì mà ghê gớm thế?

http://www.jtsnews.com/

Cầu Long Biên được làm cùng thời với Tháp Eiffel ở Pari, Eiffel được khánh thành năm 1889 để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789–1889). Eiffel nặng 9.700 tấn, trong đó có 7.000 tấn kim khí, nhiều hơn 1.000 tấn so với cầu Long Biên 6.000 tấn. 225 công nhân làm việc cật lực trong 3 năm thì tháp được hoàn thành, cao 300m, đó là cái tháp cao nhất thế giới thời đó.

Nhưng không một công nhân nào chết trong khi dựng tháp.

'Tính hai mặt của khai hóa'

Còn cầu Long Biên thì hầu như ngày nào cũng có người Việt Nam chết vì tai nạn lao động, do chết ngạt khi phải làm việc dưới hố móng sâu, do tế ngã từ trên cao v.v…

Chỉ riêng sự việc này cũng cho thấy tính chất hai mặt của công cuộc "khai hóa’’ của thực dân Pháp ở nước ta.

http://www.jtsnews.com/

Doumer làm cầu Long Biên nhằm khai thác, vận chuyển hàng hóa cướp bóc bóc của dân ta, nhưng khách quan nó lại tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và vào thời đó, chỉ có một cường quốc như Pháp mới làm nổi. Hơn nữa Long Biên còn là một cây cầu đẹp trong những cây cầu trên thế gian này.

Nó hùng tráng mà thanh tú, đến bây giờ nó vẫn đẹp, không hề tàn phai sắc đẹp với thời gian. Nhân nói về vẻ đẹp của cây cầu, tôi lại nhớ đến cầu Hàm Rồng, cũng do Pháp xây dựng ở Thanh Hóa.

Sau khi cầu bị bom Mĩ đánh sập ta xây lại. Ngày khánh thành cầu mới, các nhà văn, nhà báo được mời đi dự. Nghe có giai thoại nói trong đoàn còn có nhà văn Nguyễn Tuân cùng đi nên ai cũng phấn khởi. Nhưng khi đến đón cụ Nguyễn thì cụ lắc đầu không đi. Gặng hỏi mãi cụ nói: "Cái cầu Hàm Rồng xưa có nhịp trông nó đẹp lắm. Nay cầu mới thẳng đuỗn như cái con... chán lắm, không đi..!!!"

Những nhịp cầu lên xuông nhấp nhô của Long Biên như con rồng đang bay qua sông Hồng đã in bóng vào chân trời Hà Nội những chiều hè, những đêm sao, những bình minh… bất tận.

Vì lẽ đó mà người Pháp muốn "giữ gìn những ký ức của mình’’ ở Việt Nam trong đó có cây cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi, như họ đã tuyên bố. Còn người Hà Nội thì xem Long Biên là một "mảng’’ tâm hồn mình, một "vật chứng’’của lịch sử, văn hóa.

Vậy có nên gỡ bỏ cầu Long Biên đi như mấy ông quan ở Hà Nội đã bàn?

Và nếu xây một cây cầu mới qua sông Hồng chỉ cách Long Biên có 30m thì khác nào xếp một hoa hậu đứng cạnh một anh lính dù Lê Dương để chụp hình lưu niệm!

Lê Phú Khải, nhà báo
/search/label/World%20Cup%20C%C6%B0%E1%BB%9Di

Bình luận mới nhất

Bài mới nhất trên phiên bản mobi

World Cup, World Cup Cười, Hà Nội nhớ, Thông Tấn Xã, Độc thân plus, Hội quán Cười, Hội quán 24H