Có nên phá dỡ cầu Long Biên?


Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi thì cầu Long Biên là một bản đàn trong yên lặng nhưng luôn réo rắt trong tâm hồn.

Nó là ký ức tập thể của cộng đồng người Hà Nội. Không có gì khắc sâu trong tâm trí người Hà Nội suốt 100 năm qua bằng hình ảnh cây cầu dài nhấp nhô như con rồng thép khổng lồ bay qua sông Hồng suốt bốn mùa xuân hạ thu đông.

Hỏi một người Hà Nội đi xa xem anh ta nhớ nhất cái gì ở Hà Nội, câu trả lời là hình 'ảnh cây cầu Long Biên'. Hỏi một nhà nghiên cứu lịch sử xem vật chứng của các biến cố của Hà Nội suốt trăm năm qua là gì, câu trả lời sẽ là 'cây cầu Long Biên'.

http://www.jtsnews.com/

Hỏi một anh cán bộ Miền Nam, nói đúng hơn là cậu học sinh Miền Nam theo cha mẹ đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, bây giờ đã là một ông già ngoài 70 tuổi sống ở Sài Gòn: "Ông nhớ nhất cái gì ở Hà Nội?", câu trả lời sẽ là: "Cầu Long Biên".

Ông già này kể: tháng ngày đi học cuốc bộ từ Gia Lâm qua cầu Long Biên sang Hà Nội rồi lại về, ông đã đếm được mấy vạn cái đinh bù –loong trên cây cầu sắt này. Đếm để quên quãng cầu dài, quên bụng đói… Và con số mấy vạn cái đinh bù-loong ấy đã theo ông suốt cả đời

Chỉ sau hai tháng nhận chức (tháng 02/1897) toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đặt bút phê chuẩn dự án cầu Doumer tức cầu Long Biên ngày nay.

Ngày 13-09-1898 hãng thiết kế thi công Daydé – Pillé khởi công xây cầu. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 3500m, trừ hai trụ cầu bờ Bắc và Nam, cầu có 17 trụ cầu chôn sâu dưới lòng sông 30 mét, móng nổi từ mặt nước đến mặt cầu là 44m, đảm bảo tàu bè qua lại khi nước sông lên đến 13,5m.

Chín khung dầm sắt khổng lồ nối 19 nhịp lớn với nhau, mỗi khung dài 61m. Cầu rộng 30,6m có một đường tàu hỏa ở giữa và hai đường bộ hai bên. Đến năm 1921 cầu được mở rộng thêm 2,6m cho các loại ô tô và 0,8m cho người đi bộ hai bên.

Sau 4 năm thi công, 8 giờ 35 phút ngày 28/2/1902, cầu được khánh thành.

Sáng hôm đó, chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Hàng Cỏ có 8 toa, có hai toa dành riêng cho vua Thành Thái và toàn quyền Doumer , 6 toa còn lại trở các quan khách trong đó có cả vua Malaixia, đại diện triều đình Mãn Thanh… từ từ vượt sông Hồng.

Thời điểm đó, Long Biên được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới.

'Vật chứng lịch sử'

Từ thời khắc đó cầu Long Biên trở thành ‘’vật chứng’’ lịch sử của Hà Nội.

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở chân cầu Long Biên tự vệ bãi Phúc Xá đã cho nổ bom chặn đường tiếp tế của địch từ phía Gia Lâm.

Dưới chân cầu, trong đêm tối những đoàn quân cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

http://www.jtsnews.com/

Người Hà Nội không bao giờ quên câu chuyện đau thương về một người mẹ trẻ, để bảo vệ Trung đoàn Thủ đô vượt song trong đêm đã phải bịt mồm đứa con của mình. Em bé đã hy sinh để đoàn quân trong đêm vượt sông an toàn ngay dưới chân cầu trước mũi súng của giặc…

Ngày 9/10/1954 cầu Long Biên chứng kiến những người lính Pháp bại trận cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Nó còn chứng kiến những phi công tù binh Mỹ qua cầu năm 1973 để sang sân bay Gia Lâm trao trả về Mỹ.

Cả một thời gian dài cầu Long Biên là mục tiêu quan trọng trong chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội với 14 lần cầu bị ném bom.

Ngày 11/08/1967 cầu bị phá hỏng nặng ở 5 nhịp, riêng nhịp 15 rơi hẳn xuống sông. Sau hai tháng sửa chữa cầu được khôi phục. Ngày 25/10/1967 cầu lại bị "chém’’ ngang thân tại nhịp số 10, một nửa nhịp rơi xuống sông, nửa còn lại ghếch lên trời. Phải đánh mìn định hướng mới cắt bỏ được phần hỏng.

Sau hai lần chỉ trong bốn ngày vào tháng 12/1967 máy bay Mỹ lại đã dội bom trúng cầu và lần này cầu bị thiệt hại nặng nề, 6 trụ bị tiện đút, bẩy nhịp bị phá hủy. Nửa năm sau cầu mới được phục hồi.

Chưa có cây cầu nào trên trái đất này mang nhiều thương tích trên mình nó như thế. Và cũng chưa có cây cầu nào chuyên trở trên mình nó nhiều trọng trách, mang vác trên mình nó nhiều hàng hóa, vật tư hữu dụng cho con người như thế.

Nó đã mang vác lịch sử đau thương và anh dũng của người Hà Nội trên lưng mình cả 100 năm từ lúc nó chào đời.

Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội, những người lính trực chiến trên nóc cầu Long Biên đã biên thư, gọi điện đề nghị với Đài tiếng nói Việt Nam phải sửa lại nội dung, sửa lại trật tự các cụm từ trong thông báo: "Báo động có máy bay xâm phạm bầu trời Hà Nội’’.

Số là, khi nhận được lệnh báo động, đài phát: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp máy bay địch xuất hiện ở phía (Tây Nam hoặc Đông Nam) thành phố’’, các chiến sỹ cao xạ pháo trực chiến trên các ụ súng bố trí trên các nóc cầu Long Biên đã rất sốt ruột khi phải nghe các âm thanh "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp…".

Mà họ nóng lòng chỉ muốn nghe từ hướng nào tốp máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội… để kịp quay mũi súng về hướng đó, đón chờ chúng đến.

Một giây với người lính canh gác trên nóc cầu lúc đó là sinh mệnh của chính mình và sinh mệnh của cây cầu. Vì thế các chiến sỹ trực chiến đã đề nghị đài sẽ phát "Từ hướng (Tây Nam hay Đông Nam ) có một tốp máy bay… đang xâm phạm bầu trời Hà Nội… Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…’’

'Sống những giờ sinh tử'

Cầu Long Biên đã sống những giây phút sinh tử với Hà Nội như thế. Người viết bài này có lần đã sang bãi. Giữa tức bãi Phúc xá ngay sau khi khói bom đánh cầu Long Biên vừa tan để thămmột người trong dòng tộc và chứng kiến tận mắt một thanh đường ray xe lửa dài đến hai mét đã bay hơn một cây số vì sức ép của đạn rốc – két lao cắm xuống sân một gia đình nông dân trên bãi Phúc xá.

Những hình ảnh như thế không bao giờ phai lạt trong lòng một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi. Một cô gái quê Hà Nội nay là một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi đang sống ở Sài Gòn đã nói với tôi:

"Cây cầu là kỉ niệm tuổi thơ của chúng em. Thời gian 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội cầu bị đánh phá tơi bời sập nhiều loại, chúng em từ nơi sơ tán đi về phải qua cầu phao trong mưa phùn giá rét cả nữa ngày mới qua được song Hồng,

"Lúc đó mới thấy khát khao được đi trên cầu Long Biên sau mỗi lần bom dãi thảm Hà Nội cả nhà em ở nơi sơ tán lại ngóng về trời Thủ Đô, mẹ em kêu lên thảng thốt: Khói bốc lên phía cầu Long Biên rồi cả nhà ơi!. Bao nhiêu bom đạn Mỹ mà không phá được,

"Vậy mà bây giờ người ta không cần vũ khí vẫn phải phá cây cầu như chơi. Dễ dàng vậy sao? Vũ khí gì mà ghê gớm thế?

http://www.jtsnews.com/

Cầu Long Biên được làm cùng thời với Tháp Eiffel ở Pari, Eiffel được khánh thành năm 1889 để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789–1889). Eiffel nặng 9.700 tấn, trong đó có 7.000 tấn kim khí, nhiều hơn 1.000 tấn so với cầu Long Biên 6.000 tấn. 225 công nhân làm việc cật lực trong 3 năm thì tháp được hoàn thành, cao 300m, đó là cái tháp cao nhất thế giới thời đó.

Nhưng không một công nhân nào chết trong khi dựng tháp.

'Tính hai mặt của khai hóa'

Còn cầu Long Biên thì hầu như ngày nào cũng có người Việt Nam chết vì tai nạn lao động, do chết ngạt khi phải làm việc dưới hố móng sâu, do tế ngã từ trên cao v.v…

Chỉ riêng sự việc này cũng cho thấy tính chất hai mặt của công cuộc "khai hóa’’ của thực dân Pháp ở nước ta.

http://www.jtsnews.com/

Doumer làm cầu Long Biên nhằm khai thác, vận chuyển hàng hóa cướp bóc bóc của dân ta, nhưng khách quan nó lại tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và vào thời đó, chỉ có một cường quốc như Pháp mới làm nổi. Hơn nữa Long Biên còn là một cây cầu đẹp trong những cây cầu trên thế gian này.

Nó hùng tráng mà thanh tú, đến bây giờ nó vẫn đẹp, không hề tàn phai sắc đẹp với thời gian. Nhân nói về vẻ đẹp của cây cầu, tôi lại nhớ đến cầu Hàm Rồng, cũng do Pháp xây dựng ở Thanh Hóa.

Sau khi cầu bị bom Mĩ đánh sập ta xây lại. Ngày khánh thành cầu mới, các nhà văn, nhà báo được mời đi dự. Nghe có giai thoại nói trong đoàn còn có nhà văn Nguyễn Tuân cùng đi nên ai cũng phấn khởi. Nhưng khi đến đón cụ Nguyễn thì cụ lắc đầu không đi. Gặng hỏi mãi cụ nói: "Cái cầu Hàm Rồng xưa có nhịp trông nó đẹp lắm. Nay cầu mới thẳng đuỗn như cái con... chán lắm, không đi..!!!"

Những nhịp cầu lên xuông nhấp nhô của Long Biên như con rồng đang bay qua sông Hồng đã in bóng vào chân trời Hà Nội những chiều hè, những đêm sao, những bình minh… bất tận.

Vì lẽ đó mà người Pháp muốn "giữ gìn những ký ức của mình’’ ở Việt Nam trong đó có cây cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi, như họ đã tuyên bố. Còn người Hà Nội thì xem Long Biên là một "mảng’’ tâm hồn mình, một "vật chứng’’của lịch sử, văn hóa.

Vậy có nên gỡ bỏ cầu Long Biên đi như mấy ông quan ở Hà Nội đã bàn?

Và nếu xây một cây cầu mới qua sông Hồng chỉ cách Long Biên có 30m thì khác nào xếp một hoa hậu đứng cạnh một anh lính dù Lê Dương để chụp hình lưu niệm!

Lê Phú Khải, nhà báo

Bình luận:
Vào 'Nhận xét với tên' chọn 'Tên/URL' để điền tên của bạn (không bắt buộc phải điền URL), nếu bạn chọn tài khoản khác thì ảnh đại diện của tài khoản đó sẽ xuất hiện bên phải bình luận của bạn.

/search/label/World%20Cup%20C%C6%B0%E1%BB%9Di

Bình luận mới nhất

Bài mới nhất trên phiên bản mobi

World Cup, World Cup Cười, Hà Nội nhớ, Thông Tấn Xã, Độc thân plus, Hội quán Cười, Hội quán 24H